HỒ CÁ THỦY SINH

Thú chơi hồ cá thủy sinh là lựa chọn tuyệt vời nhất cho ngôi nhà của bạn, cho văn phòng và cả nhà hàng. Hồ Cá Thủy Sinh có nhiều loại, nhiều phong cách và cách chơi đa dạng, nó có thể tạo ra một phần nhỏ đại dương, rừng rậm, bãi biển, dòng sông hoặc cây cảnh bon sai…

Lợi ích của Hồ Cá Thủy Sinh là trang trí cho không gian của bạn thêm sống động, bắt mắt, lấp đầy không gian trống trải, tạo cảm giác mới mẻ, thẩm mỹ.

Cuộc sống ngày một ồn ào, hối hả, bởi vậy con người thường có xu hướng mang thiên nhiên vào trong ngôi nhà của mình, có khi là những chậu cây xanh tươi, một hòn non bộ với suối chảy róc rách, một hồ cá thủy sinh, cảm giác sau một ngày vất vả, sau bữa cơm tối vội vàng thì được ngắm bể thủy sinh xanh mướt, đàn cá, tôm bơi lội làm cho chúng ta thêm thư giãn hơn sau một ngày căng thẳng mệt mỏi.

Theo các nghiên cứu chỉ ra rằng xem cá cảnh làm giảm huyết áp, thư giãn căng cơ và giảm thiểu lo lắng, hồ cá cảnh là vật dụng giải tỏa căng thẳng hoàn hảo cho không gian nhỏ. Chúng chiếm ít diện tích, yêu cầu bảo trì tối thiểu và tạo điểm nhấn thú vị cho không gian. Hơn nữa, việc chăm sóc cá và cây cảnh thường ít tốn kém hơn và yên tĩnh hơn so với nuôi chó hoặc mèo.

Ngoài ra, hồ cá thủy sinh hoặc hòn non bộ nước còn giúp cho không khí trong phòng thêm độ ẩm không bị khô, làm mát, dễ chịu hơn.

Theo quan niệm phong thủy hồ cá thủy sinh và hòn non bộ chứa nước sẽ đem lại sự thịnh vượng, an lành cho gia chủ, bởi nước là thủy, theo thuyết ngũ hành thì thủy có sức mạnh đưa đến tài lộc cho chủ nhà.

Hiện nay trên thế giới đã có những giải thi về thủy sinh, thu hút được đông đảo cộng đồng người chơi thủy sinh tham gia.

Giải đấu nổi tiếng nhất được biết đến là IAPLC. IAPLC là từ viết tắt của tiếng Anh “International Aquatic Plants Lavout Contest”

Tiêu chí đánh giá trong các tác phẩm thủy sinh quan trọng nhất là cây cối phải thật sự khỏe mạnh, bố cục hài hòa hợp lý, khi nhìn vào có thể hiểu được chủ đề mà chủ nhân của hồ muốn hướng đến là gì, đương nhiên sẽ còn rất nhiều yếu tố phụ được quy định của ban tổ chức.

 

Thủy Sinh Là Gì?

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu một chút về Hồ Thủy Sinh.

Như chúng ta biết khái niệm về những loại cây trồng thủy canh vốn là những cây công nghiệp phục vụ cho ăn uống, còn cây thực vật thủy sinh mà muốn bạn biết ở đây là những cây trồng trong hồ cá, hiểu nôm na là những loại cây sống được dưới nước (hình).

Vậy, thủy sinh được hiểu như là một hệ sinh thái thu nhỏ gồm hệ động vật, thực vật được nuôi trồng trong môi trường dưới nước, mà cụ thể ở đây là một nghệ thuật trồng cây trong nước, thực vật giữ vai trò chủ động và các loài động vật như cá, tôm, cua, ốc… đóng vai trò trang trí, tô điểm cho bể thủy sinh thêm sinh động.

Vậy làm thế nào để có được 1 Hồ cá thủy sinh hoàn hảo theo ý muốn, trước tiên chúng ta cần phải có

  • Hồ Thủy Tinh:

Hồ thủy tinh thường có hình dạng chữ nhật, hình tròn, hình lục giác v.v… tùy theo không gian và nhu cầu mà có kích thước khác nhau, tuy nhiên chúng cũng có thể làm bằng acrylic. Acrylic tuy nhẹ và bền hơn thủy tinh nhưng ngược lại giá thành lại cao hơn.

  • Phân Nền:

Cũng giống như thực vật trồng trên cạn, muốn sống được và tươi tốt đòi hỏi phải có đất trồng và các chất dinh dưỡng, phân bón tốt thì đối với thực vật thủy sinh cũng tương tự như vậy. Đất trồng trong bể thủy sinh gọi là phân nền, là chỗ để rễ cây bám vào và cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng tốt, ngoài ra còn có các loại dinh dưỡng bổ sung dạng nước hoặc viên, hai dạng này dùng để bổ sung khi nhu cầu dinh dưỡng của phân nên cung cấp cho cây không đủ.

Phân nước là phương pháp hữu cơ trong trường hợp bón tạm thời. Tuy nhiên cần sử dụng phân nước với một liều lượng hợp lý, vì nếu bón nhiều quá sẽ làm cho rong phát triển và gây nhiễm độc kim loại cho cây. Phân viên khá giàu dưỡng chất nhất là chất sắt. Việc sử dụng phân viên cho toàn bộ hồ sẽ gây ra việc thừa chất sắt, ảnh hưởng đến toàn bộ hồ sinh thái, chỉ nên sử dụng phân viên cho từng cây riêng biệt, cây nào cần mới dùng.

Đối với cây thủy sinh khoáng chất là cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của chúng, những yếu tố như Kali, Magnasium, calcium, nitrogen v.v… tùy từng giai đoạn, từng chủng loại câu mà ta quan cát để biết được những dấu hiệu nào đang thiếu những chất gì mà từ đó bổ sung thêm bằng dạng phân viên hay phân nước.

  • Ánh Sáng:

Ánh sáng mặt trời rất quan trọng cho cây xanh ngoài tự nhiên và với cây thủy sinh cũng tương tự vậy. Nếu không có ánh sáng cây có thể chết đi hoặc không phát triển được sẽ còi cọc héo úa và không tươi xanh. Ngoài tự nhiên chất diệp lục tố trên lá cây sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời để tổng hợp khí carbon (CO2) và thải ra khí Oxy (O2), khi trời tối cây sẽ chuyển qua trạng thái ngược lại tức là hấp thụ khí Oxy và thải ra Carbon. Hồ Cá Thủy Sinh thường đặt trong nhà nên thiếu ánh sáng tự nhiên, nên ta phải dùng đèn thủy sinh chuyên dụng để tạo ra ánh sáng cho hồ cá. Tuy nhiên không phải đèn nào cũng sử dụng được mà phải cần loại đèn tỏa ra năng lượng giống ánh sáng mặt trời thì cây xanh tươi có thể quang hợp và phát triển được.

Khi quang hợp cây sẽ lấy CO2 và thải ra O2 dưới sự xúc tác của ánh sáng, trong tự nhiên thì có sẵn khí CO2, nhưng trong hồ cá thủy sinh thì khí CO2 thấp hoặc không đủ cho cây phát triển. Lấy thí dụ, nếu có 2 hồ giống nhau, một hồ có CO2 và 1 hồ không có CO2 thì hồ có CO2 cây sẽ phát triển tốt, xanh mượt hơn. So sánh như vậy để thấy rằng khí CO2 có vai trò quan trọng như thế nào.

  • Khí CO2:

Khí Carbon (CO2) có 3 dạng trên thị trường là dạng viên, dạng lỏng và dạng khí. So với dạng viên và dạng lỏng thì dạng khí được sử dụng phổ biến hơn trên thị trường. Hiện nay bạn có thể mua 1 bình khí CO2 có dung tích 5lb thì có thể sử dụng từ 6 tháng đến 1 năm tùy theo diện tích của hồ. Cây Thủy Sinh luôn cần lượng CO2 thích hợp để phát triển, vì vậy mà chúng ta cần phải sục khi CO2 cho bể cá có trồng cây thủy sinh. Tuy nhiên CO2 chỉ chiếm 1 lượng nhỏ, nếu lượng CO2 quá đậm đặc sẽ khiến các sinh vật khác thiếu O2 cho quá trình hô hấp. Nếu bể đã nuôi nhiều cá thì giảm cung cấp lượng CO2 lại, vì cá sẽ thải ra khí này, nên nước trong bể có thể tự cân bằng, ổn định.

  • Máy Lọc Nước:

Hồ Cá Thủy Sinh là 1 hệ thái khép kín gồm động, thực vật và các loại vi khuẩn, qua thời gian sẽ sinh ra cặn bã như phân cá, lá cây mục rữa, xác lá v.v… nếu như không có máy lọc thì sẽ gây ra ô nhiễm làm cho chất lượng nước kém đi và sẽ bị đục nước, độ PH (PH là 1 thang dùng để đo tính acidic hoặc alkaline trong nước) tăng giảm thất thường làm ảnh hưởng môi trường sống của cây và lá, vì thế nguyên lý hoạt động của máy lọc là liên tục thu gom các cặn bẩn để đưa về các khoang lọc xử lý, tại đây vi sinh sẽ phân hủy các chất hữu cơ thành dạng mùn.

  • Nhiệt Độ:

Nhiệt độ cũng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của động và thực vật sinh sống trong hồ. Nhiệt độ ổn định tốt nhất là dao động từ 65 đến 80 độ F là phù hợp nhất.

  • Đá và Gỗ Lũa:

Công dụng chính của đá và gỗ lũa trong hồ thủy sinh là trang trí cho bối cảnh trong hồ, tùy theo chủ đề của mỗi người mà lựa chọn những loại đá và gỗ lũa khác nhau. Gỗ trong tự nhiên trải qua những thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán… làm mục những loại cây chết, bị bào mòn trong nước, phần còn lại có đặc tính chắc, đanh và nặng được gọi là Lũa (driftwood). Qua bàn tay của nghệ nhân chế tác đẽo gọt thành những tác phẩm nghệ thuật hoặc chơi Bonsai theo phong cách của người Nhật, khi đưa những loại gỗ này vào bễ cá rất dễ dàng, chỉ cần chọn thế và dáng cho phù hợp là được (hình)

  • Cây Thủy Sinh:

Cây Thủy sinh chính là nhân vật chính trong hệ sinh thái thủy sinh được trồng trong bể nhằm mục đích tạo cảnh quan và tạo môi trường sống tự nhiên cho các loài động vật như cá, tôm, ốc, cua…

Cây thủy sinh có khả năng hấp thụ amoniac (Amoniac có công thức hóa học là NH3 là 1 hợp chất vô cơ được sinh ra trong quá trình bài tiết và xác lá cây, sinh vật thối rữa – là chất độc hại cho cá) trong nước và cung cấp oxy cho cá, với tầm quan trọng như vậy, cây thủy sinh là 1 thành phần cốt yếu của chu trình nitrogen, trong hồ cá thủy sinh. Ngoài ra cây thủy sinh còn được ví như 1 nhà máy góp phần cải thiện chất lượng nước cũng như hạn chế sự phát triển của rong hại trong bể

Bố Cục Cho Hồ Thủy Sinh:

Giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác, thú chơi thủy sinh cũng dựa trên những đánh giá chủ quan, sở thích của mỗi cá nhân bởi vì nó cũng lá một dạng nghệ thuật chơi cây dưới nước, cho nên việc định ra 1 bố cục cho hồ thủy sinh theo khuôn mẫu là không hề có, bởi mỗi người một cách khác nhau, một sở thích khác nhau.

Nhưng để có 1 hồ thủy sinh đẹp, nhất thiết phải có bố cục rõ ràng, tránh lan man, lộn xộn và tất nhiên bạn cần nghĩ ra chủ đề mình ưa thích và bắt đầu sáng tạo ra bố cục cho phù hợp.

Nó cũng giống như bạn vẽ 1 bức tranh, bạn cần phải biết chủ đề bạn muốn vẽ là phong cách hay chân dung để đưa bố cục bức tranh cho phù hợp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.